Những gợi ý để bắt đầu hoạt động Nghiên cứu khoa học

01
01
'70

Tôi muốn làm đề tài nghiên cứu khoa học nhưng chưa biết sẽ bắt đầu từ đâu?

Tôi không biết chọn đề tài nào để làm?

Tôi phải làm gì để tìm được đề tài nghiên cứu?

Tôi đã mất nhiều thời gian mà vẫn chưa tìm ra được đề tài nghiên cứu?...

Hầu như những ai đã từng bắt đầu nghiên cứu khoa học cũng thường gặp khó khăn và phải tìm kiếm câu trả lời cho rất nhiều những câu hỏi như vậy. Thậm chí có những người vì không thể vượt qua giai đoạn này đã từ bỏ luôn ý định nghiên cứu khoa học.

Đối với các bạn sinh viên cũng vậy, có thể nói việc tìm kiếm được một đề tài nghiên cứu khoa học để thực hiện quả thật không phải dễ dàng, nhất là đối với những bạn lần đầu tiên tham gia nghiên cứu khoa học.

Vậy làm thế nào để sinh viên có thể vượt qua giai đoạn này, để có thể tự tin bước tiếp trong chặng đường nghiên cứu khoa học.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu và giải mã những “vật cản” này nhé.

Đầu tiên là vấn đề về thời gian?

Các nhóm nghiên cứu thường bảo rằng mình đã đầu tư nhiều thời gian nhưng không thu được kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, chúng ta cần suy xét kĩ việc này. Phải chăng là thời gian dài nhưng các thành viên trong nhóm không thật sự chú tâm và tập trung vào công việc chính là tìm kiếm đề tài, cho đến khi thời gian trôi qua quá lâu thì ý định nghiên cứu khoa học cũng trở nên xa rời hơn.

Để khắc phục điều này, các nhóm nghiên cứu cần đặt mục tiêu rõ ràng ngay từ đầu và cần có lộ trình làm việc nhóm cụ thể cũng như các thành viên nhóm nghiên cứu phải thường xuyên giữ liên lạc và “chất vấn” lẫn nhau, nhất là đối với trưởng nhóm.

Tiếp đến là việc sinh viên thấy có quá nhiều vấn đề để nghiên cứu và không biết nên chọn vấn đề nào?

Khi mới bắt đầu nghiên cứu khoa học, sinh viên có thể chưa biết mình thực sự yêu thích hay quan tâm đến vấn đề nào, vì vậy sinh viên sẽ cảm thấy như đang “bơi” trong nhiều mảng vấn đề quá lớn, và không biết nên chọn đề tài nào để tập trung vào nghiên cứu.

Vì thế để thoát ra được vòng luẩn quẩn này, sinh viên cần xác định được lĩnh vực mình thực sự quan tâm. Trong một lĩnh vực lớn sẽ có những vấn đề nhỏ. Tìm hiểu sâu vào những mảng vấn đề nhỏ để thực sự hiểu hơn những vấn đề đó, như vậy là bạn đã thu hẹp được vấn đề lớn, lúc này việc lựa chọn đề tài nghiên cứu sẽ thuận lợi hơn.

Ví dụ, bạn muốn nghiên cứu về lĩnh vực du lịch, lĩnh vực này sẽ có nhiều mảng vấn đề như văn hóa du lịch, quản trị du lịch và lữ hành, khách sạn - nhà hàng,….bạn muốn quan tâm đến vấn đề về quản trị du lịch và lữ hành, vậy bạn sẽ cần tìm hiểu về sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch, marketing du lịch,…bạn thích marketing du lịch nhất, vậy thì sẽ tìm hiểu sâu hơn về nó để tìm ra những vấn đề nhỏ như là thương hiệu du lịch, nghiên cứu thị trường du lịch, truyền thông du lịch, các mô hình marketing du lịch,..bạn lại tiếp tục nghiên cứu sâu hơn vào các vấn đề nhỏ này cho đến khi tìm được vấn đề mình tâm đắc và muốn khám phá nó. Đây là một cách tiếp cận.

Hướng tiếp cận khác là bạn đã có được một ý tưởng nghiên cứu, nhưng lo lắng không biết ý tưởng này có thể tiến hành để làm đề tại nghiên cứu khoa học được hay không? Bạn sẽ bắt đầu triển khai ý tưởng này như thế nào? Vậy thì bạn hãy cân nhắc những vấn đề sau đây.

Vấn đề thứ nhất là tính khoa học của đề tài, đây có thể được coi là tiêu chí cơ bản nhất khi lựa chọn một đề tài nghiên cứu khoa học. Tính khoa học của một đề tài nghiên cứu khoa học được thể hiện bằng việc đề tài phải có cơ sở lý luận rõ ràng, vững chắc. Cơ sở lý được hiểu là những lý thuyết xoay quanh vấn đề nghiên cứu trong đề tài nghiên cứu khoa học. Đó là những giả thuyết đã được kiểm chứng và khẳng định. Những lý thuyết này là cơ sở nền tảng để đảm bảo các nội dung trong công trình nghiên cứu có sự logic, liền mạch, khoa học và thuyết phục. Nếu đề tài của bạn không đáp ứng được yêu cầu này, tức là không tìm được khung cơ sở lý luận liên quan thì cần xem xét lại trước khi chốt đề tài để nghiên cứu sâu.

Vấn đề thứ hai là tính mới của đề tài, một công trình nghiên cứu khoa học bắt buộc phải đảm bảo yêu cầu này vì nghiên cứu khoa học chính là chính là hành trình tìm lời giải đáp cho những câu hỏi và tìm ra những điều mới. Tính mới của đề tài thể hiện ở chỗ vấn đề chưa được giải quyết hoặc giải quyết chưa đầy đủ. Tính mới cần được hiểu là, cho dù đã được phát hiện mới, nhưng người nghiên cứu vẫn còn tiếp tục tìm kiếm những phát hiện mới hơn.

Tính mới được chia làm ba cấp độ:

+ Hoàn toàn mới: khám phá và chứng minh một vấn đề khoa học mà từ trước đến nay không được giải quyết.

+ Mới: khái quát hóa, hệ thống hóa các tri thức, các kinh nghiệm đã có để hình thành lí luận, phương pháp, công nghệ mới…đem lại hiệu quả cao hơn trong nhận thức và hoạt động thực tiễn trong điều kiện mới.

+ Mới ở phạm vi nhất định: cách chứng minh mới, luận giải sâu sắc hơn, bổ sung hoàn chỉnh thêm, cụ thể hóa hoặc vận dụng vào điều kiện mới một vấn đề khoa học đã được giải quyết về cơ bản.

Vấn đề thứ ba là tính cấp thiết của đề tài. Đề tài phải có tính cấp thiết đối với thời điểm tiến hành nghiên cứu. Vấn đề đang là điểm “nóng” cần thiết phải giải quyết và giải quyết được nó sẽ đem lại giá trị thiết thực cho lý luận và thực tiễn, đóng góp cho sự phát triển của khoa học và đời sống.

Thứ tư là tính khả thi của đề tài. Đây chính là điều kiện thực tế để hoàn thành đề tài nghiên cứu. Tính khả thi của đề tài được biểu hiện bằng việc: có thể tiếp cận được nguồn tài liệu có cơ sở lý luận liên quan; có thể tiếp cận được nguồn dữ liệu muốn thu thập. Thông thường các công trình nghiên cứu khoa học bắt buộc phải có nguồn dữ liệu dạng số để tăng tính thuyết phục cho kết quả nghiên cứu (đối với nghiên cứu định tính) và để phục vụ chạy mô hình nghiên cứu (đối với nghiên cứu định lượng), vì thế nếu đề tài của bạn không có khả năng tiếp cận các nguồn dữ liệu này thì có thể nói là đề tài của bạn không có tính khả thi

Trên đây là một số gợi ý cơ bản dành cho các bạn sinh viên đã, đang và sẽ ấp ủ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học. Khó khăn là đương nhiên, trở ngại có thể nhiều, thế nhưng nếu bạn thực sự yêu thích và mong muốn khám phá những chân trời tri thức mới cộng hưởng với đó là quyết tâm, nhiệt huyết của tuổi trẻ, chắc chắc các bạn sẽ thành công, bởi vì: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”./.

Ths. Nguyễn Thị Thúy Ngân – Giảng viên Khoa Du lịch

 

 

Từ khóa:

Sự kiện

VIDEO CLIP

Mạng xã hội