Hoạt động nghiên cứu khoa học để rèn luyện phát triển bản thân

01
01
'70

 

Khi nói đến nghiên cứu khoa học, đa phần các bạn sinh viên đều nghĩ đến cái gì đó to lớn, là công việc rất vất vả và đầy khó khăn như: chọn đề tài gì? lấy số liệu thế nào? phân tích và xử lý số liệu ra sao…?

Để chọn được đề tài nghiên cứu, trước tiên  sinh viên  cần đầu tư suy nghĩ và trao đổi với các giảng viên về các ý tưởng mình đam mê và mong muốn theo đuổi để hiểu sâu hơn các vấn đề trong lĩnh vực đó, những vấn đề còn chưa được nghiên cứu hoặc còn đang có nhiều điều chưa sáng tỏ. Thực tế cho thấy bất kể lĩnh vực nào cũng có rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu để đưa ra những khuyến nghị, giải pháp, sản phẩm hữu ích cho xã hội.

Sau khi đã lựa chọn được đề tài nghiên cứu, sinh viên cần xác định rõ: Phạm vi, đối tượng và mục đích của việc nghiên cứu; Tiếp đó cần lập kế hoạch cụ thể, như phân bố thời gian giữa học trên lớp và làm đề tài; Phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong nhóm;  Tìm kiếm tài liệu, viết đề cương, dự kiến tiến độ thực hiện đề tài, chuẩn bị cơ sở vật chất… Việc nghiên cứu cơ sở lý thuyết của vấn đề nghiên cứu sẽ giúp chúng ta chuẩn bị tốt cho quá trình lấy số liệu hoặc làm khảo sát thực tế. Đó chính là cơ sở để việc nghiên cứu đề tài được thuận lợi, tránh được lãng phí tài nguyên và nguồn lực.

Trong quá trình thu thập thông tin, số liệu hoặc làm khảo sát thực tế cần thường xuyên trao đổi cùng giảng viên hướng dẫn để có thể lấy số liệu nhanh, chính xác và có giá trị nhất.  Đây là quá trình thực hành, ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tế. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên với việc áp dụng kiến thức đã học, các khó khăn chắc chắn sẽ dần được giải quyết.

Sau khi đã có số liệu nghiên cứu và kết quả của quá trình nghiên cứu, sinh viên cần viết và trình bày báo cáo trước hội đồng nghiệm thu. Khi bắt tay vào viết báo cáo sẽ gặp một số vấn đề như việc trình bày như thế nào cho đúng với quy định, các chữ viết tắt, viết hoa, cách trình bày bảng biểu, hình vẽ, lỗi font chữ …

Sự hỗ trợ của giảng viên hướng dẫn  khi bắt đầu bắt tay vào viết báo cáo sẽ là một gợi ý hay để tránh tình trạng phải sửa đi sửa lại nhiều lần.

Sự đồng hành và hỗ trợ của giảng viên hướng dẫn sẽ giúp sinh viên thực hiện hoạt động nghiên cứu. Trước hội đồng nghiệm thu, việc trao đổi và lắng nghe các câu hỏi phản biện của thầy cô giáo trong quá trình thực hiện đề tài cũng là một gợi ý rất tốt giúp chúng ta có được lý luận sắc bén hơn, đỡ tốn tiền bạc và công sức hơn, có được cách làm và trình bày báo cáo rõ ràng hơn.

Như vậy, NCKH là công việc lấy đi nhiều công sức và thời gian, nhưng qua NCKH chúng ta có thể thấy được một phần của đại dương kiến thức mênh mông, như Isaac Newton từng nói “Điều chúng ta biết là một giọt nước. Điều chúng ta không biết là cả một đại dương". NCKH giúp chúng ta học được, biết được nhiều điều hữu ích cho chính cuộc sống của mình và hơn thế nữa đó là cách để làm cho mỗi chúng ta trở nên có giá trị hơn đối với xã hội.

                                                   TS. Nguyễn Phúc Hùng – Giảng viên

                               Khoa Du lịch – Trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh

 

 

 

Từ khóa:

Sự kiện

VIDEO CLIP

Mạng xã hội