Hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên: Ý nghĩa và những lợi ích thiết thực

01
01
'70

Có thể khẳng định rằng, nghiên cứu khoa học đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống con người nói chung và trong các hoạt động học thuật nói riêng. Chính vì lý do đó, hoạt động nghiên cứu khoa học tại Việt Nam, đặc biệt tại các trường Đại học đang được chú trọng và khuyến khích phát triển.

Luật Giáo dục Đại học cũng đã đề cập rất nhiều đến hoạt động nghiên cứu khoa học. Tại khoản 2 Điều 28 quy định một trong các nhiệm vụ và quyền hạn của trường Cao đẳng, trường Đại học, Học viện là “triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học”. Khoản 2 điều 55 quy định “Nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ, bảo đảm chất lượng đào tạo” là một nhiệm vụ quan trọng của giảng viên trường Đại học.  Tuy vậy, đối tượng của hoạt động Khoa học công nghệ trong trường Đại học không chỉ bao gồm giảng viên và các nhà khoa học khác, mà còn hướng đến sinh viên. Điều này thể hiện qua mục tiêu “hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho người học” mà hoạt động Khoa học Công nghệ của nhà trường hướng tới, được quy định theo khoản 2, Điều 39.

Trong những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học trong sinh viên tại các trường được chú trọng đầu tư nhiều hơn. Nhiều cuộc thi cấp thành phố và tầm cỡ quốc gia được tổ chức nhằm khuyến khích sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học như: “Tài năng Khoa học trẻ” do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka” do Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh phát động,…điều này càng cho thấy những ý nghĩa và lợi ích thiết thực khi sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học.

Trước hết, phải kể đến sự gia tăng rất lớn về kiến thức và kinh nghiệm nghiên cứu. Tham gia nghiên cứu khoa học đòi hỏi người nghiên cứu phải không ngừng bổ sung, hoàn thiện kiến thức của mình, do đó việc tìm kiếm và đọc thêm các tài liệu bổ trợ là cần thiết. Thông qua điều này, kỹ năng nghiên cứu cũng như kiến thức phục vụ cho đề tài của sinh viên sẽ tăng lên. Thêm vào đó, sinh viên có cơ hội được làm việc cùng với giảng viên hướng dẫn nên sẽ được định hướng và chỉ dẫn thấu đáo hơn đối với các vấn đề nghiên cứu.

Thứ hai là, hoạt động nghiên cứu khoa học giúp sinh viên tăng cường các kỹ năng bổ trợ cần thiết cho công việc cũng như cho cuộc sống sau này như: kỹ năng tư duy phản biện, kỹ năng quản lý thời gian, làm việc nhóm, các kỹ thuật tin học,… trong đó quan trọng nhất là khả năng tư duy phản biện độc lập, sáng tạo, nhìn các sự vật, sự việc ở nhiều khía cạnh khác nhau để có cách hiểu toàn diện nhất. Đặc biệt, thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ giúp sinh viên biết cách thực hiện đề tài mang tính khoa học: lập kế hoạch, bố trí thời gian, phân công nhiệm vụ trong nhó,....điều này sẽ tạo cho sinh viên tính tư duy logic, biện chứng và cái nhìn bao quát mọi việc - đó là tầm nhìn của người quản lý, của lãnh đạo - làm cơ sở để phấn đấu trong tương lai. Đồng thời, nghiên cứu khoa học cũng giúp sinh viên có tác phong làm việc tích cực, kỹ năng làm việc nhóm hiệu quả, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các thành viên trong nhóm, cùng nhau giải quyết những khó khăn, tình huống nảy sinh, nâng cao kỹ năng thuyết trình và bảo vệ đề tài trước hội đồng… Đó là kinh nghiệm rất quý khi sinh viên thực sự bắt tay vào làm việc tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thông qua việc thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, sinh viên có khả năng hiểu sâu hơn về những kiến thức đã học trên giảng đường, đồng thời được bổ sung thêm những kiến thức ngoài sách vở. Và nhiều khi trong quá trình làm các em lại nhận ra những bài học tưởng chừng như khô khan lại hóa ra sinh động trong đời sống thực tế. Quá trình đi khảo sát, điều tra, phỏng vấn … sinh viên sẽ được làm những công việc của một cử nhân thực thụ đang làm việc trong một công ty, cơ quan nào đó. Đây thực sự là một trải nghiệm mới về những điều chúng ta quan tâm, yêu thích xung quanh nhằm khám phá bản thân. 

Ngoài ra, nghiên cứu khoa học giúp chúng ta mở rộng mối quan hệ, không chỉ bó hẹp trong phạm vi của một vài lớp học thôi, mà còn nhiều bạn bè, anh chị, thầy cô trong khoa. Những mối quan hệ tốt đẹp ấy là một lợi thế, để các bạn sinh viên có thể học hỏi, mở mang tầm kiến thức đa đạng và phong phú hơn,…Điều đó sẽ tạo thuận lợi cho sinh viên khi xin việc làm sau khi tốt nghiệp ra trường.

Hơn thế nữa, nghiên cứu khoa học giúp sinh viên có thể cải thiện tiếng Anh chuyên ngành, có kinh nghiệm trong việc đọc, tìm tài liệu, cách trích dẫn tài liệu, tổng hợp phân tích báo cáo cũng như viết báo cáo, làm đồ án, khóa luận tốt nghiệp khi chuẩn bị ra trường và những kỹ năng viết báo cáo khi đi làm sau này. Những kinh nghiệm đó sẽ hỗ trợ cho các bạn sinh viên sau này học lên những bậc học cao hơn như Cao học, Nghiên cứu sinh, hoặc xin học bổng của các trường Đại học nước ngoài.

Như vậy, có thế thấy rằng, nghiên cứu khoa học tuy là một công việc có vất vả, có “chông gai”, và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức của người tham gia. Nhưng với những giá trị và lợi ích vô cùng to lớn mà hoạt động nghiên cứu khoa học mang lại cho các bạn sinh viên thì rõ ràng đây quả là một hoạt động bổ ích và hết sức có ý nghĩa mà mỗi bạn sinh viên cần nắm bắt, tận dụng cơ hội ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường.

Tin bài: Ths. Nguyễn Thị Thúy Ngân – Giảng viên Khoa Du lịch

Hình ảnh: Tập thể lớp ĐHDL 12.HD1

 

 

 

Từ khóa:

Sự kiện

VIDEO CLIP

Mạng xã hội