Tâm sự tuổi 20

01
01
'70

Chiều hôm nay Sài Gòn lại đổ cơn mưa, những con mưa thật lạ lùng chợt đến rồi chợt đi chẳng bao giờ nói trước với ai một lời để lại lòng người một nỗi buồn  mênh mang, bồi hồi đến khó tả. Mưa ầm ầm như thác đổ kéo theo dòng người vội vã sau giờ tan tầm, kẻ gánh, người gồng chạy thật nhanh về nhà, chỉ thương cho mấy đứa trẻ mồ côi, không nơi nương tựa phải chui rúc đâu đó, dưới mái hiên nhà ngoài phố  dưới cầu đường để trú mưa, co người lại vì trời chuyển lạnh. Và có lẽ những hình ảnh ấy cũng là ấn tượng đầu tiên khó phai nhất của tôi cách đây 3 năm khi lần đầu đặt chân lên mảnh đất được mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông’’.

 

Ngày ấy không biết vì lí do gì mà tôi mạnh mẽ đến như vậy, một mình lặn lội vào tận trong Sài Gòn đăng kí nộp hồ sơ vào trường ĐH Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh. Tự mình tìm phòng trọ, xin việc làm thêm, đi sớm về muộn, tất cả mọi thứ đều phải một mình, cảm giác không khỏi tủi thân. Bước chân vào thành phố, tôi khá trầm trồ và hứng khởi trước những tòa nhà cao ngất ngưỡng, những công trình quy mô đồ sộ, những trung tâm, siêu thị mua sắm hiện đại, những công viên to lớn đẹp đẽ… nhưng song song với vẻ đẹp hào nhoáng ấy là không ít muôn vàn khó khăn và bất cập mà tôi phải đối mặt. Điển hình nhất là nạn kẹt xe, tiếp đến là khó khăn về giọng nói địa phương khi giao tiếp, khẩu vị ăn uống, cách sinh hoạt, và đặc biệt là nỗi nhớ nhà khi xa quê, xa vòng tay ấm áp sự yêu thương của ba mẹ. Tôi nhớ nồi xôi thơm nức mà ngoại nhuốm bếp lửa hồng vào mỗi buổi chiều hoàng hôn, thèm một bữa cơm quây quần bên gia đình … có quá nhiều thứ để tôi phải nhớ, phải quên, phải tiếp thu, học hỏi và tập cách làm quen dần, hòa đồng vào môi trường sống hoàn toàn mới mẻ này. Nhưng chính nhờ giảng đường đại học Văn hóa, tình thân của bạn bè từ khắp nơi, sự quan tâm chia sẻ của các thầy cô đã giúp tôi dần làm quen với môi trường đại học, với cách giảng dạy và học tập đầy thú vị. Tôi còn nhớ thời gian đầu của năm nhất, chúng tôi phải học cách làm việc nhóm, soạn bài thuyết trình trước lớp, học biết bao những kiến thức từ lý luận đến thực tiễn, từ kiến thức đại cương đến cơ sở ngành và chuyên ngành. Nhưng rồi 3 năm trôi qua, ba năm cho sự lí giải về những thắc mắc ban đầu, 3 năm cho sự thấu hiểu và trưởng thành hơn. Đối với tôi, lúc này đây, trường đại học Văn hóa thật sự là một giảng đường với cách giảng dạy thật tuyệt vời, những thầy cô có tâm huyết với nghề, giàu lòng yêu thương và đem lại những kiến thức thật sự bổ ích nhất cho sinh viên.

Còn riêng về lớp ĐH Du lịch 10.3, nếu tôi chỉ nói một lời rằng tôi yêu các bạn nhiều lắm tôi sợ nó không đủ để diễn tả hết cảm xúc tôi lúc này. Chúng ta đã đồng hành cùng nhau trên những chặng đường không quá ngắn cũng không quá dài, từ những con người xa lạ giờ bỗng hóa thành thân quen tri kỉ, với biết bao kỉ niệm thật đẹp và đáng yêu. Dù có đôi lần cãi nhau, vì bất đồng về quan điểm cá nhân, nhưng thật sự chúng ta gặp được nhau là một cái duyên, chúng ta đã thật sự may mắn vì luôn có gia đình, có thầy cô, có bạn bè để chia sẻ những vui buồn.

Người ta nói: “Tuổi thanh xuân đi qua vội lắm đừng để đánh mất nó một cách vô ích”. Thật đúng như vậy, tuổi thanh xuân của chúng ta là sức trẻ và trái tim yêu đời nồng cháy. Đây là lứa tuổi, chúng ta bắt đầu nhặt nhạnh từng chút khao khát để xây đắp lên những ước mơ và hoài bão cho riêng mình. Là khi tất cả không chỉ gói gọn trong những trang nhật kí, là cái nắm tay thật chặt, là tiếng hô vang: “Cố lên!” là những động lực chẳng thể gọi thành tên!

Lớp ĐH du lịch 10.3 thân thương! Chúng ta hãy cứ như vậy mãi nhé: nhiệt huyết, đoàn kết, chia sẻ , yêu thương nhau nhiều hơn nữa và cùng nhau tạo nên những kí ức đẹp đẽ nhất ở chặng đường mang tên sinh viên Văn hóa.

Sinh viên Lê Thị Ái Hạ - ĐHDL 10.3

Sinh viên Ái Hạ và các bạn thân trong lớp - Ảnh chụp tại Làng Cà phê Trung Nguyên Tp. Buôn Ma Thuột

Tập thể lớp 10.3 đi thực tế Tây Nguyên vào tháng 5/2018 - Ảnh chụp tại Đảo Khỉ Nha Trang

Từ khóa:

Sự kiện

VIDEO CLIP

Mạng xã hội