Cảm nhận của thí sinh đạt giải khuyến khích trong Hội thi Khoa Du lịch trong tôi - Sinh viên Phan Thị Ánh Thứ

01
01
'70

“Chắp vá” khoảng trời xuân.
“Chắp vá” những hành trình.
Tôi lần theo những ký ức vụn vặt của mình trong đêm vắng để tìm về những hơi thở của một thời tuổi xanh.
Đã bao lâu rồi tôi không chạm đến “em”. Đã bao lâu rồi tôi cho “em” ngủ say nơi miền ký ức, phủ lớp bụi mệt nhọc, hối hả cùng những lo toan trong bộn bề cuộc sống.
Hôm nay “em” về, hồn nhiên và tinh khôi. Chạm nhẹ vào tôi, lăng tăng, mỉm cười vờn trong ánh mắt: “KHOẢNG TRỜI XUÂN”.
“Em” cùng tôi, vui buồn chung bước. Khoảng thời gian không quá dài để tôi đắm mình mê loạn, không quá ngắn hời hợt qua đầu môi. Mà… đủ để tôi say trong men nồng chếnh choáng của một thời hoa mộng. “Em” cùng tôi – THỜI SINH VIÊN.

THỜI SINH VIÊN của tôi dưới mái trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, nơi ghi dấu những kỷ niệm vui buồn cùng thầy cô – những người đưa đò đáng kính; và bạn bè – những lũ quỷ trong lũ quỷ. Trên những chặng đường của cuộc đời, mỗi chúng ta ai cũng sẽ gặp những “định mệnh” của riêng mình. Duyên đưa đẩy cho tôi về dưới mái nhà VHS, nơi đã cho tôi hơi thở của những “cái tình”.
Là tình thầy trò nồng đượm nghĩa ân. Những con người ấy, mỗi người một phong phạm khác nhau, khơi gợi những nguồn cảm hứng riêng cho sinh viên của mình. Thầy trưởng khoa Mai Hà Phương, một nét nghiêm nghị nhưng không quá xa cách. Đạo mạo chỉnh chu từ hình thức đến từng lời giảng dạy. Là thầy trưởng khoa, gắn bó và theo dõi xuyên suốt các khóa sinh viên của mình là lẽ đương nhiên. Nhưng lớp chúng tôi được “bện duyên” với thầy nhiều hơn tất thảy những khóa và lớp học khác. Thầy dạy chúng tôi từ những môn cơ sở ngành đến chuyên ngành, không hề vắng mặt trên từng km chặng đường tour của dải đất hình chư S thân thương mà chúng tôi đi qua trong những chuyến thực tế. Có lẽ vì vậy mà chúng tôi thấy thầy không còn xa cách như vẻ bề ngoài thầy tạo nên, mến thầy và thương thầy từ đó. Gửi lời tri ân sâu sắc đến một vị trưởng khoa, một nhà giáo và là một người bạn của chúng tôi trong những năm tháng được làm sinh viên “Khoa của thầy”. Duyên có thể là do định mênh, nhưng duyên cũng có thể do mình tạo ra, một cơ duyên nhỏ khi được thầy hướng dẫn Khóa luận tốt nghiệp. Cũng là một bước ngoặt quan trọng trong quãng đời người sinh viên. Cảm ơn thầy đã giúp em hoàn thành tốt khóa luận của mình, hoàn thành phần cuối cùng của một hành trình dài.
Phải kể đến thầy Lê Hồ Quốc Khánh nhỉ - Giáo viên chủ nhiệm của chúng tôi. Khác với thầy trưởng khoa, một vẻ bề ngoài khá gần gũi, một chút thơ, một chút lãng tử và một chút “bụi” của nghề “lữ hành”. Giáo viên chủ nhiệm lớp đại học khác xa thời trung học. Một năm thầy gặp chúng tôi chỉ vài lần trong những dịp cần thiết nhất, nhưng không phải vậy mà thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc. Lớp chúng tôi được thầy giảng dạy môn Nghiệp vụ lữ hành. Ấn tượng đầu tiên có lẽ khó phai nhòa nhất là được thầy hát tặng bài Hồ trên núi. Âm vang ấy, giai điệu ấy hãy còn mãi ngân rung trong lòng mỗi chúng tôi. Thầy thổi một luồng gió mới mang tên “Núi rừng Tây Bắc” vào tâm hồn những đứa trẻ đang khát khao tìm về vùng đất lạ. Thầy làm chúng tôi “say” Sapa qua những điệu khèn của chàng trai bản Mèo, qua ánh mắt người con gái H’ Mông, qua bát thắng cố nóng hổi những tình người, qua những chén rượu táo mèo hãy còn đọng trên môi người lữ khách và qua những chuyện tình thơ của những chàng trai, cô gái chốn núi rừng trong phiên chợ cuối tuần. Có lẽ thầy làm chúng tôi yêu Sapa mất rồi.
Tôi lại muốn nhắc đến người phụ nữ làm chúng tôi “say” ngay từ những giây phút đặt chân đến ngôi trường này, cô Chu Khánh Linh. Một cái tên khá đặc biệt, và con người cô cũng đặc biệt như chính cái tên của cô vậy. Mang một nguồn năng lượng tươi trẻ, truyền cảm hứng và sự nhiệt huyết của chính mình đến với sinh viên. Cô, nụ cười luôn thường trực trên môi, không biết là nụ cười của cô làm vẻ đẹp kia thêm duyên hay chính nét duyên của cô làm rạng ngời thêm nụ cười. Chúng tôi “say” cô ở nụ cười này thôi sao? Không phải vậy đâu, điều làm chúng tôi thật sự ngây ngất đó là nguồn năng lượng cô mang đến cho chúng tôi. Đặc biệt trong cách tiếp xúc và truyền cảm hứng cho sinh viên. Có lẽ cô là một trong số ít những giảng viên có thói quen đến lớp sớm. Khi mà chúng tôi còn hối hả đến trường, khi mà chúng tôi còn chen chân ngoài hàng quán cho bữa sáng vội vàng thì cô đã đến lớp. Diệu dàng ngồi đó, gửi ánh mắt yêu thương bao quanh lớp. Cô làm điều đặc biệt ấy dành cho tất cả sinh viên của mình. Và tôi trân trọng điều đó. Có lẽ là một nét riêng đặc biệt của cô nữa là cách vào bài giảng. Chưa bao giờ cô bắt đầu bài giảng một cách trực tiếp. Sẽ là một mẩu chuyện nhỏ gieo hạt giống tâm hồn mang triết lý cuộc sống, sẽ là một giai thoại của những bậc vĩ nhân hay đơn giản là một bài hát nhẹ nhàng cho buổi sớm mai. Nhựa sống đang chảy trong cô và cô đang truyền niềm hạnh phúc ấy sang chúng tôi. Cô liên tục “cháy giáo án” cho những tiết học của mình vì sinh viên của cô liên tục đặt câu hỏi, liên tục yêu cầu cô nán lại giải quyết vấn đề mặt dù chuông báo hết giờ đã vang lên từ lâu. Trong tiết học của cô hình như không bạn nào có thể thụ động, tất cả đều làm việc nhóm để mang lại hiệu quả cao nhất có thể. Dường như lửa trong cô đã thật sự lan truyền trong mỗi đứa chúng tôi.
Xin dành vài dòng để chia sẻ cảm xúc đến thầy Nguyễn Thanh Hải. Thầy tiếp xúc với chúng tôi khá ít, chỉ vỏn vẹn trong 45 tiết học môn Các dân tộc ở Việt Nam, nhưng sinh viên chúng tôi đều cảm mến được tình cảm của thầy, như một người anh trong nhà, chia sẻ và diều dắt. Hãy còn đó những trăn trở của thầy mà tôi biết và đồng cảm. Thương thầy trong nét diệu hiền và mộc mạc với chúng tôi.
Một chút nhớ đến cô Ngọc trong nét mộc mạc đơn sơ. Một chút hồi tưởng về cô Tuyết Linh – nét duyên muộn với chúng tôi, kịp đồng hành trong chuyến thực tế xuyên Việt 20 ngày trong những năm tháng cuối cùng đời sinh viên. Một phần luyến lưu gợi nhớ về thầy Phong – người thầy, người anh đồng hành với chúng tôi trong mọi công tác chuẩn bị cho hành trình dài của những chuyến thực tế. Và thầy Hùng – nét chấm phá cuối cùng chúng tôi nhận được từ Khoa. 
Sẽ là một thiếu sót khi không kể đến những giảng viên mà Khoa đã mời giảng dạy, tạo nền tảng vững chắc cho kiến thức sinh viên chúng tôi: Thầy Quyền Hồng với Lịch sử văn minh thế giới, Thầy Đặng Văn Thắng với Kiến trúc và mỹ thuật truyền thống Việt Nam, Cô Duyên với Nghệ thuật truyền thống Việt Nam, Thầy Trịnh Đăng Khoa với Nghệ thuật thuyết trình trước công chúng, Thầy Bá Vương với Lịch sử Việt Nam, Thầy Nguyễn Tấn Trung với Nghiệp vụ hướng dẫn 2, Thầy Phan Minh Châu với Kỹ năng sinh hoạt truyền thống, Cô Hà với Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh,… Không đơn thuần là 45, 60 hay 90 tiết học mà đó là cả bầu trời tri thức cho chúng tôi chạm ngõ. Những ước mơ chúng tôi viết nên đang dần hiện thực hóa từ đây. Chúng tôi thầm tri ân đến thầy cô – những người đã sống hết mình, cống hiến hết mình cho bao thế hệ sinh viên. Để ngày hôm nay chúng tôi trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn và tự tin hơn khi bước chân vào nghề, bước chân vào đời.
Ký ức THỜI SINH VIÊN gõ cửa thì không thể nào thiếu đám quỷ ĐHDL7 – HD3 được, những con người tạo nên linh hồn “em” – KHOẢNG TRỜI XUÂN của tôi. Nói sao nhỉ, lớp chúng tôi, nam thanh nữ tú và “trung tâm của vũ trụ” có đủ. Mỗi đứa là một nét cá tính riêng biệt, không mấy “hòa hợp” khi ở chung, cãi nhau chí chóe, quậy muốn nát cái trường luôn vậy hà. Thầy Trịnh Đăng Khoa có nói với bọn tôi chiến tích đầu tiên mà chúng tôi làm được là phòng B004 được ngăn đôi thành phòng B004 và B005. “Công lực” dữ dội từ cái miệng nói chuyện chớ đâu. Hì!… nói vậy thôi chớ đoàn kết lắm nha, thương nhau nhiều lắm đó, chỉ hơi nghịch quỷ xí thôi.
Còn nhớ không hỡi bạn tôi ơi trong hành trình dài chúng ta chung bước! Là những buổi học tranh luận “vỡ đầu nhau ra”, là những cái ôm xiết chặt trong vui mừng của sự chiến thắng, là sự hò hét cổ vũ đến rát cổ cho những “chiến binh” của lớp, là cái vỗ vai an ủi khi chúng ta gặp thất bại. Chúng ta đã nắm tay nhau đi qua mọi miền của Tổ quốc thì còn gì đẹp hơn hỡi thanh xuân của chúng ta cùng nhau. 
Điểm danh chút nào các nhóm, điều có lẽ quá quen thuộc của những ai được gắn mác sinh viên nhỉ!
Gì nào?…
À!… Này thì nhóm “Thiếu nữ”, “Tây Môn Khánh”, “Oh yeah”,… và bao nhiêu cái tên mỹ miều khác mà tên nhóm của tôi là “IS”. Khủng bố thiệt chớ, nhóm gì đâu con gái số lượng áp đảo hoàn toàn mà nhân nào cũng nghịch và quậy như nhau. Duy chỉ có tính tôi trầm và nội liễm hơn mấy nhỏ còn lại, nhưng như vậy không có nghĩa là tôi không nghịch và quậy bằng chúng. Chỉ là tôi thích ngồi quan sát, nghe chúng nó chí chóe mà vui, lâu lâu góp vài câu có “ký” là được. Người ta nói “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, không bắt được “tần số” tụi nó làm sao ở chung nhóm được, làm sao “cầm trịch” được chúng nó lâu nay. 
Mà không biết có phải những lẽ trên hay không mà trong nhóm có 4 nhỏ gọi tôi là “má”, xưng “con” ngọt xớt. Gọi thì “dạ” một cách tự nhiên không lọt tiếng nào. Riết rồi nghe chúng tôi nói chuyện qua điện thoại, mọi người cứ ngớ ra và vặn hỏi tôi có con thiệt rồi hả. Thiệt… đau đầu hết sức mà! Đến tận bây giờ vẫn không hề thay đổi cách xưng hô thân mật đó mỗi khi gặp tôi: “Má ơi!”
Không chịu dừng lại ở đó, mấy nhỏ trong lớp cũng lác đác gọi tôi bằng má như “lũ con” của tôi. Trên chặng đường tour thực tế, trên chiếc xe thân thương ghép hai lớp HD3 và HD4. Chúng nó lại gọi tôi là “má Thứ”, gia phả nhà tôi lại ngày một đông lên. Tôi không biết, tôi không nhớ là mình có bao nhiêu đứa con như vậy nữa. Chúng cứ gọi tôi như vậy như thể là một gia đình thật sự. Riết rồi thầy cô phải hỏi tôi tại sao ai cũng gọi em là “má”. Tôi cười trừ “có lẽ em già”, còn lũ nhóc nói “Cô ơi! má em là mẹ thiên hạ”.
Còn nhớ không hỡi đám nhóc thân thương của tôi, những lần họp nhóm lê la góc quán cày hết ngày nhưng kết quả chẳng đi về đâu, lại phải mang về nhà phần đứa nào nấy làm và cuối cùng “má” và cô Thắm phải hoàn thành tất thảy, chỉ được cái nghịch phá là giỏi mà. Còn nhớ không những lúc tập trung ở B’smart gần trường, tám đủ thứ chuyện trên đời và cùng tạo nên “Quốc hoa mẫu tự” của riêng chúng ta. Kể cũng lạ, khi chúng ta ngồi chung, dường như khả năng ngôn ngữ trở nên vượt trội không tưởng. Rất nhiều từ lạ được phát hiện ra và chúng trở thành mật ngữ của riêng IS mà thôi. Mà cái người góp công, góp từ nhiều nhất cho quyển “Quốc hoa mẫu tự” này có lẽ là Cô Thoa, mắm Lệ và cô Long nhỉ. Đứa thì dùng nhiều phương ngữ vùng biển và sáng tạo thêm không ai hiểu nổi trừ chúng tôi, đứa thì chuyên dùng thành ngữ sai và ghép từ lộn ngược mà cũng chỉ có chúng tôi hiểu nổi ý của nó, đứa thì khả năng hoạt ngôn và chuyển ý ngôn ngữ tài tình từ những phần hỏng hóc của 2 đứa kia. “Quốc hoa mẫu tự” của chúng tôi “giàu sụ” là nhờ có chúng nó. Còn cả những đêm thức trắng chơi trò ma sói, những bữa ăn khuya đúng chất sinh viên được làm nên từ đây. Không gì ngoài mấy gói mỳ tôm chung nồi, mấy mái đầu chụm nhau húp xì sụp. Không gì ngoài món bột chiên ớt đậm đà cay xé họng. Thế mà cứ quẹt miệng khen ngon!... Còn những trận bóng được đá vào lúc 1, 2 giờ sáng, dưới cơn mưa phùn lất phất, rồi chụm nhau giữa công viên kể chuyện ma liên hoàn. Có những nơi góc công viên như thế in đậm kỷ niệm của chúng ta. Quên sao được trong những chuyến thực tế tour trên mọi miền của Tổ quốc, tay lồng tay, chúng ta cùng chinh phục. Còn nhớ không đêm Sapa sương mù bao phủ, cái lạnh đánh vào mặt nghe bỏng rát thịt da. Chúng ta ngồi bên hàng quán ven đường, dưới triền dốc của góc phố thênh thang. Nghe ấm lòng trong cốc rượu táo mèo hay ấm những tình bạn quanh ta. Say men nồng của chén rượu ngô hay men nồng của tình bạn quyến luyến. Là làn khói nướng những thức quê của hàng quán phục vụ du khách làm mắt chúng ta cay xè, phải hấp háy mắt để lệ nóng quanh tròng không được trào ra, hay là… Thôi thì:
Nhấp chén táo mèo trong sương lạnh,
Tình bạn ấm áp những ngày xanh.
Mong sao phút giây đừng vụt mất,
Gửi mãi cho nhau những chân thành.
Dường như một chút buồn, một chút ngậm nguồi thoáng qua khi nghĩ đến thời khắc phải chia tay. Ừ chỉ là thoáng qua thôi, không phải khi ra trường chúng ta vẫn vẹn nguyên những tình cảm dành cho nhau đó sao. Thôi đừng buồn bạn nhé! Ấy thế nhưng vẫn nao lòng tiếc nuối cho thời sinh viên sắp vụt khỏi tầm tay… 
Có biết bao nhiêu vui buồn được dệt nên từ đây để tôi có được “em” – KHOẢNG TRỜI XUÂN THỜI SINH VIÊN. Trên hành trình dài của cuộc đời, tôi vui vì có bạn. Cảm ơn cuộc đời đã mang chúng ta đến với nhau. Cảm ơn những tình cảm mà chúng ta dành cho nhau. Cuộc đời dài hay ngắn khó nói lắm, có bao nhiêu ngã rẽ phía trước chúng ta còn chưa biết được, nhưng ít ra trên cuộc đăng trình tìm kiếm tri thức, vẽ nên tuổi mộng thì bạn đã cùng tôi chung bước. Tri ân vì tất cả những điều này! Sẽ là điều trân quý để lưu giữ vào tim: VHS, DL7 – HD3, IS à.

Đêm của những hồi ức tuổi xanh,
Sài Gòn, ngày 17 tháng 04 năm 2018

Người viết cảm nhận: Phạm Thị Ánh Thứ - Cựu Sinh viên Lớp ĐHDL 7.3 - Khoa Du lịch, trường ĐH Văn Hóa Tp. Hồ Chí Minh

Từ khóa:

Sự kiện

VIDEO CLIP

Mạng xã hội